Giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhờ phân loại rác thải tại nguồn

9720

Với mục tiêu phân loại rác thải tại nguồn nhằm phục vụ cho công tác tái chế thuận lợi hơn và tận dụng triệt để mọi nguồn lợi từ rác. Qua hơn một năm thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn ở phường Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh) và xã Cao Đức (Gia Bình, Bắc Ninh) bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

phân[-]loại[-]rác[-]thải[-]tại[-]nguồn[-]nhằm[-]phục[-]vụ[-]cho[-]công[-]tác[-]tái[-]chế[-]thuận[-]lợi[-]hơn[-]và[-]tận[-]dụng[-]triệt[-]để[-]mọi[-]nguồn[-]lợi[-]từ[-]rác

Phân loại rác thải tại nguồn giúp công tác tái chế thuận lợi hơn và tận dụng triệt để mọi nguồn lợi từ rác

Thực hiện kế hoạch, UBND thành phố Bắc Ninh và huyện Gia Bình đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia phân loại CTRSH tại nguồn; tổ chức cho cán bộ, đại diện nhân dân địa phương đi tham quan học tập kinh nghiệm mô hình quản lý CTRSH của một số địa phương ở Nam Định, Thanh Hóa.

Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý dự án mua sắm thiết bị thùng chứa CTRSH để thực hiện mô hình thí điểm; hướng dẫn và ký cam kết với từng hộ gia đình, cơ sở trên địa bàn thực hiện phân loại. Theo đó, mỗi hộ gia đình, đơn vị được trang bị 3 thùng lưu giữ CTRSH có nắp đậy với các màu sắc khác nhau (Thùng màu xanh đựng chất thải rắn tái chế và tái sử dụng; màu vàng đựng chất thải có thể đốt; màu đen đựng chất thải chôn lấp); các cơ sở sản xuất kinh doanh tự trang bị thùng lưu trữ chất thải theo quy định, bố trí khu lưu trữ riêng.

Anh Ngọc Tráng, người dân ở phường Ninh Xá (TP Bắc Ninh) cho biết: “Trước đây, tôi cũng có thói quen để rác lẫn vào một xô rồi chờ công nhân vệ sinh đến thu gom. Nhưng từ khi được hướng dẫn áp dụng phân loại rác tại nguồn, tôi luôn nhắc nhở mọi thành viên trong gia đình cùng hưởng ứng. Thực hiện theo quy trình phân loại rác khá đơn giản, từ chỗ phân loại tại nhà rồi đem đổ ra các thùng công cộng đã được quy định vừa đảm bảo sạch sẽ, không gây hôi thối, vừa giữ được mỹ quan đô thị.

Sau một thời gian thực hiện theo mô hình, hiện tại xã Cao Đức có 1.950 hộ gia đình, đạt 100% tham gia phân loại CTRSH tại nguồn, tổng khối lượng rác sinh hoạt được phân loại, thu gom, vận chuyển khoảng 14,58 tấn/tháng, trong đó, chất có thể đốt 11,5 tấn, chất thải rắn chôn lấp 3,08 tấn. Tại phường Ninh Xá có 2.486 gia đình tham gia thực hiện phân loại rác, chiếm 87,57% số hộ trên địa bàn, tổng khối lượng CTRSH được thu gom là 186 tấn/tháng, trong đó chất thải rắn có thể đốt là 162 tấn, chôn lấp 24 tấn.

Theo đánh giá chung, việc triển khai hai mô hình phân loại CTRSH tại nguồn bước đầu đạt được một số thành quả nhất định: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường, phân loại CTRSH tại nguồn có chuyển biến theo hướng tích cực; đa số nhân dân trong khu vực thí điểm đã nhận biết và phân loại đúng theo hướng dẫn.

 

Giảm[-]thiểu[-]ô[-]nhiễm[-]môi[-]trường[-]nhờ[-]phân[-]loại[-]rác[-]thải[-]tại[-]nguồn

Lượng CTRSH sau khi phân loại trên địa bàn được thu gom, vận chuyển xử lý theo đúng quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường. Đối với chất thải rắn có thể tái chế, tái sử dụng và chất thải rắn chôn lấp, riêng chất thải rắn có thể đốt thu gom vào buổi chiều hàng ngày…

Việc phân loại rác thải đem lại hiệu quả về kinh tế rõ rệt (giảm chi phí cho xử lý rác thải bằng phương pháp đốt, kiểm soát được lượng khí phát thải trong quá trình đốt rác, giảm lượng chất thải chôn lấp), mang lại cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp cho đô thị cũng như khu vực nông thôn.

Ngoài việc bảo vệ môi trường thì việc phân loại rác taị nguồn cũng giúp tiết kiệm chi phí sản xuất phân bón hữu cơ từ rác, lại vừa tiết kiệm chi phí mua phân bón.

Bởi vậy, triển khai đề án “phân loại rác tại nguồn” nhằm tận dụng các thành phần có ích trong rác để tạo các sản phẩm mới dưới dạng vật chất hoặc năng lượng phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng, đồng thời làm sạch môi trường sinh thái, nâng cao ý thức của người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống là việc làm cần thiết.

Nhằm duy trì và nhân rộng mô hình phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn toàn tỉnh theo mô hình đô thị và nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, ngành chức năng đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác về nơi xử lý; kinh phí tuyên truyền và thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn đối với các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Có thể nói, việc triển khai phân loại rác thí điểm ở các phường bước đầu cho thấy sự phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện mang lại hiệu quả tích cực, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân về cách phân loại rác; tổ chức ký cam kết thực hiện với các hộ gia đình đảm bảo thực hiện đồng bộ. Đồng thời, tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm những mặt được, chưa được để có phương án điều chỉnh hợp lý, qua đó góp phần xây dựng môi trường nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh.

Nguồn:  HÀ PHƯƠNG (hanoi@tinmoitruong.vn)

CHIA SẺ