Những núi container rác thải trên cảng biển sẽ đi về đâu?

2914

Hàng ngàn container hàng nhập khẩu chất đầy như núi tại các bãi kho khu vực cảng biển trở thành container vô chủ. Nếu không có biện pháp xử lý rốt ráo, quyết liệt thì không bao lâu nữa, dự báo các cảng biển Việt Nam sẽ trở thành những bãi rác thải khổng lồ…

Tình trạng tồn đọng lượng lớn hàng hóa container đã làm khó khăn cho hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, kho bãi và ô nhiễm môi trường. Ngành Hải quan muốn xử lý hàng container tồn đọng tại cảng biển, cửa khẩu cũng vướng nhiều khó khăn, thiếu cơ chế phối hợp đồng bộ và kinh phí cho vấn đề xử lý.



Nhiều cảng biển Việt Nam bị ứ đọng container chứa hàng lậu, rác thải. Ảnh minh họa CTV.

Trong 10 tháng năm 2015, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính gần 2.000 vụ, trị giá hàng hóa ước tính trên 100 tỷ đồng. Thời gian qua, Cục Hải quan phát hiện có hiện tượng doanh nghiệp đưa hàng hóa chuyển đổi cửa khẩu để làm thủ tục Hải quan, do đó các Chi cục Hải quan cần đặc biệt lưu ý kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các lô hàng chuyển cửa khẩu, chủ yếu là các mặt hàng máy móc thiết bị cũ, đã qua sử dụng, các loại hàng bách hóa nhập từ Trung Quốc và các mặt hàng có nguy cơ gian lận về thuế, hoặc né tránh các chính sách quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu. Khá nhiều vụ vi phạm quy mô lớn như: nhập khẩu trái phép hàng hóa, khai sai, khai man số lượng nhằm gian lận thuế, vi phạm chính sách hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu… Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng đã chuyển hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh điều tra, xử lý nhiều vụ.

Trong thời gian cận Tết, cuối năm như hiện nay, Hải quan và các cơ quan chống buôn lậu còn tập trung các giải pháp quyết liệt hơn, siết chặt quản lý, kiên quyết ngăn chặn hàng lậu nhập vào từ các container vô chủ tại các cảng, cửa khẩu làm trong sạch môi trường kinh doanh, khống chế hàng lậu, hàng không khai báo hải quan, triệt tiêu các đầu mối buôn lậu có tổ chức.

Trong số trên 1.000 container hàng hóa đang nằm “chình ình” trên các kho bãi, cảng biển, cửa khẩu hiện nay, phần lớn là hàng nhập khẩu. Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, hàng tồn nhiều nhất là cảng Cát Lái với khoảng 838 container, cảng Sài Gòn khu vực 4 (cảng Phước Long – Thủ Đức) tồn 136 container, cảng Tân Cảng 26 container…

Mới đây, Tổng cục Hải quan thông tin về việc gần 200 container hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu, nhập khẩu có điều kiện về khu vực cảng TP Hồ Chí Minh vừa bị lực lượng Hải quan TP phát hiện, bắt giữ, ước tính tổng số lượng từ 5.000- 6.000 tấn, trị giá khoảng 100 tỷ đồng. Chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng, sinh hoạt gia đình qua sử dụng như: máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt, xe máy, nồi cơm điện, quạt máy, rượu, lốp ôtô, thực phẩm chức năng… Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo, phải xử lý một cách kiên quyết đối với số hàng hóa vi phạm này.


Cảng Tân Cảng – Cát Lái, TP Hồ Chí Minh và container hàng rác nhập khẩu.

Cuối tháng 10-/2015, Hải quan TP Hồ Chí Minh, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan) phối hợp tiến hành rà soát tổng thể các cảng biển, cửa khẩu, kho bãi lưu container với 2.000 container đang tồn đọng nhiều năm qua đến nay. Cơ quan chức năng đã khoanh vùng khoảng 200 container có dấu hiệu vi phạm cao để tiến hành kiểm tra, khám xét.

Tổ kiểm tra, khám xét tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 và Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước bắt đầu công tác từ ngày 12-10. Kiểm tra tại cảng Hiệp Phước và cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), lô hàng 5 container, hàng hóa chủ yếu là điện lạnh đã qua sử dụng như: Máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, máy quạt, nồi cơm điện… thuộc diện cấm nhập khẩu, bên trong còn chứa (chèn thêm) các mặt hàng như: đàn ghi-ta, cần câu cá, xe đạp, quạt máy, máy cắt cỏ… tất cả đều đã qua sử dụng.

Tại 2 cảng này, trung bình mỗi ngày tổ kiểm tra, khám xét mở niêm chì kiểm tra khoảng 10 container. Trên vận đơn, toàn bộ hàng hóa đều được chủ hàng khai báo là máy móc đã qua sử dụng, nhưng thực tế chỉ một ít máy móc nông ngư cơ đã qua sử dụng để phía bên ngoài container che chắn, qua mắt cơ quan Hải quan, số còn lại chủ yếu là thiết bị điện tử, điện lạnh, gia dụng đã qua sử dụng và mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… có trị giá ước tính khoảng 500 triệu đồng/container.

Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã cử cán bộ đến tận nơi xác minh 14 doanh nghiệp có số lượng container nhiều nhất theo vận đơn. Cục cũng gửi công văn, thông báo xác minh cho 25 doanh nghiệp có tên nhận hàng container tại các tỉnh và thành phố. Việc xác minh sẽ giúp cho các lực lượng Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát kinh tế có thêm đủ điều kiện xử lý vi phạm hàng hóa container vô chủ.

Theo CAND

CHIA SẺ