Quy trình vận hành liên hồ chứa mùa cạn: Ràng buộc trách nhiệm, tăng độ an toàn

    14863
    Trong mùa cạn, các hồ chứa thủy điện cũng cần được vận hành đúng quy trình để đảm bảo không tạo ra hạn hán nhân tạo, an toàn cho cả công trình và an sinh phía hạ du. Bộ TN&MT đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ 11 quy trình vận hành liên hồ chứa mùa cạn trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm nay.
    ho chua 15

    * Đảm bảo an toàn

    Có một thực tế không thể phủ nhận là bên cạnh sự tác động của biến đổi khí hậu, suy giảm rừng đầu nguồn…, việc tích nước và xả nước của hồ thủy điện đang là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng tại các vùng hạ du hiện nay.

    Có thể kể đến việc thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ cường độ lớn gây lũ ở Phú Yên vào năm 2010. Tháng 11/2011, cùng với lũ lớn, các nhà máy thủy điện khu vực miền Trung xả lũ cũng gây ra lũ ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên… Hay mới đây nhất là nước ở Nhà máy nước Cầu Đỏ (Đà Nẵng) nhiễm mặn không thể khai thác. Nguyên nhân là do các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia không xả nước thường xuyên về hạ du.

    Làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa người dân ở hạ du với sự phát triển của các nhà máy thủy điện trên thường nguồn? Đó là vấn đề đặt ra đối với những người xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa.

    Theo ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) các quy trình vận hành liên hồ chứa được xây dựng theo phương châm “tất cả các bên đều thắng”, trong đó, đảm bảo nguồn nước cho người dân hạ du là một trong những nguyên tắc yêu tiên hàng đầu.

    Nếu trong 11 quy trình vận hành liên hồ chứa mùa lũ đã được ban hành, nguyên tắc quan trọng là không được gây lũ nhân tạo đột ngột đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân hạ du thì vào mùa cạn, các nhà xây dựng quy trình đặt ưu tiên đầu tiên là đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du. Sau đó mới ưu tiên tới hiệu quả phát điện. Rõ ràng, bất kỳ quy định nào, nguyên tắc nhân văn quan trọng là đảm bảo an toàn cho con người.

    Hiện Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quy trình vận hành liên hồ chứa mùa cạn trên các lưu vực sông Ba, sông Sê San, sông Srêpôk, sông  Vu Gia – Thu Bồn, sông Hồng. Các quy trình này quy định rõ, việc phân bổ nguồn nước của các hồ chứa để bảo đảm khả năng điều tiết của từng hồ, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trong suốt thời gian mùa cạn, đặc biệt là những năm cạn kiệt, thiếu nước vẫn phải bảo đảm đến cuối mùa cạn, đồng thời tránh việc lãng phí, khi thừa nước, khi thiếu nước.

    Hơn nữa, Quy trình còn quy định mực nước tối thiểu của từng hồ vào đầu mùa cạn và từng thời đoạn 10 ngày tiếp theo cho đến cuối mùa cạn để cân bằng hồ, cân đối nguồn nước trên cơ sở lượng nước nước đến, lưu lượng xả của từng hồ.

    Những chỉ số mực nước tối thiểu trên được quy định cụ thể cho từng lưu vực sông khác nhau, dựa trên những tính toán khoa học. Nếu các chủ hồ nghiêm túc vận hành điều tiết hồ theo đúng các chỉ số được đưa ra, nhu cầu tối thiểu về nước cho hạ du sẽ được đảm bảo, hơn nữa, an toàn hồ chứa sẽ được đảm bảo.

    Ngoài ra, theo Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy, khi xây dựng Quy trình, cơ quan soạn thảo đã bổ sung một điểm mới khá quan trọng trong quy trình nhằm đảm bảo nguồn nước cho hạ du đó là, khi các hồ tham gia cắt, giảm lũ cho hạ du, chủ hồ sẽ được chủ động tích nước trong thời kỳ cuối mùa lũ nhằm nâng cao khả năng tích đầy hồ để cấp nước trong mùa cạn.  Tuy nhiên, việc tích nước này phải tuân thủ theo đúng các chỉ số chuyên môn đã được tính toán và quy định cụ thể cho từng hồ. Bởi, nếu không quy định cụ thể, rất có thể nhiều chủ hồ “tham nước”, tích nước quá nhiều dẫn đến mất an toàn công trình và không đảm bảo lượng xả cho hạ du…

    Trong 6 quy trình vận hành liên hồ chứa mùa cạn trên các sông: Mã, Cả, Hương, Trà Khúc, Kôn- Hà Thanh, Đồng Nai đang được hoàn thành, Bộ TN&MT cũng tuân theo các nguyên tắc trên.

    *Nâng cao trách nhiệm của các bên

    Bên cạnh những tính toán khoa học nhằm đảm bảo an toàn cho các bên chủ thể quyền trên một dòng sông, các Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được ban hành chứa đựng nhiều quy định rằng buộc trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của chủ hồ và các cơ quan quản lý liên quan trong quá trình vận hành hồ chứa mùa cạn.

    Đối với chủ hồ, Quy trình đưa ra một khung pháp lý khá chặt chẽ nhằm thúc ép đối tượng này thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Theo đó, chủ hồ phải tuân thủ các quy định về tích nước, xả nước theo đúng quy trình vận hành. Ngoài ra, tại các hồ chứa, chủ hồ phải lắp đặt camera quan sát việc xả nước và truyền tín hiệu hình ảnh về Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…Từ đây, thông tin về lưu lượng nước xả sẽ được cung cấp đầy đủ. Tùy từng địa phương sẽ có cách thức thông báo khác nhau đến người dân và những đối tượng khác.

    Song song những quy định rằng buộc trách nhiệm của chủ hồ, Quy trình còn đưa ra nhiều quy định về quyền lợi mà chủ hồ được nhận khi tuân thủ đúng các nghĩa vụ đặt ra. Điển hình như, khi vận hành theo giai đoạn 10 ngày, chủ hồ chỉ cần đáp ứng mực nước đúng quy định vào ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của thời hạn đó. Trong những ngày còn lại, chủ hồ được chủ động điều tiết nguồn nước.

    Hơn nữa, khi chủ hồ tuân thủ đúng các quy định vận hành, đảm bảo cung cấp nước cho hạ du, chủ hồ sẽ nhận được ưu đãi từ phía các cơ quan quản lý nhà nước nhằm bù đắp các khoản thiệt hại kinh tế do việc này gây ra. Cụ thể, Bộ Công thương sẽ chỉ đạo Tập Đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia xây dựng, điều chỉnh kế hoạch huy động điện của các nhà máy thủy điện đảm bảo phù hợp với thời kỳ, thời gian vận hành các hồ chứa trong mùa cạn theo đúng quy trình.

    Đối với các cơ quan công quyền, Quy trình vận hành liên hồ chứa đã quy định cụ thể về trách nhiệm của từng Bộ, ban, ngành, UBND các cấp, từng cá nhân, chủ thể quyền. Bên cạnh đó, Quy trình này cũng đưa ra hàng loạt các quy định nhằm nâng cao sự phối hợp của các chủ thể kể trên. Chính vì vậy, hiệu lực và tầm ảnh hưởng của các Quy trình vận hành liên hồ chứa là trong phạm vi toàn quốc, chứ không phải “việc riêng” của một Bộ, ngành hay địa phương nào đó.

    P.Oanh (Theo Monre.gov.vn).

    CHIA SẺ